Các loại sốt ở trẻ nhỏ
Sốt là sự gia tăng thân nhiệt trong khi nhiệt độ cơ thể ở người bình thường khoẻ mạnh là 37 oC. Trẻ nhỏ rất dễ bị sốt, do hệ miễn dịch của bé còn tương đối yếu. Trẻ sốt do nhiều nguyên nhân và phương pháp điều trị cũng sẽ khác nhau.
Mọi thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho hướng dẫn cũng như chỉ định điều trị của bác sĩ.
1. Sốt siêu vi
Ảnh minh hoạ
Hầu hết các trường hợp sốt ở trẻ em là do nhiễm virus, đặc biệt là ở giai đoạn giao mùa. Bệnh có những biểu hiện chính như sau:
- Sốt: bé thường sốt cao đột ngột (thường 38oC). Một vài trẻ có thể bị đau họng, chảy mũi hoặc ho trước hoặc kèm với sốt. Đôi khi bé bị sưng hạch bạch huyết ở vùng cổ.
- Phát ban đỏ: khi hạ sốt, trên da bé thường bắt đầu xuất hiện những vết ban đỏ. Ban thường bắt đầu xuất hiện ở ngực, lưng và bụng. Sau đó lan sang cổ và cánh tay. Ban không gây ngứa hoặc khó chịu và có thể kéo dài trong vài giờ đến vài ngày trước khi phai dần.
Trong trường hợp này, sử dụng kháng sinh không đem lại lợi ích điều trị, thậm chí còn dẫn đến tương tác thuốc hay đề kháng kháng sinh. Bé có thể cần dùng thuốc hạ sốt như paracetamol hay ibuprofen với liều thích hợp. Đồng thời, nâng cao thể trạng bằng cách bổ sung dinh dưỡng và chăm sóc đúng cách. Thông thường, sốt sẽ giảm dần sau khoảng 3 ngày.
2. Sốt do nhiễm khuẩn
Ảnh minh hoạ
Trường hợp trẻ sốt do vi khuẩn tương đối ít phổ biến hơn. Trẻ có thể bị sốt do nhiễm trùng như viêm tai mũi họng, nhiễm trùng đường tiểu, viêm phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não…
Đối với các tình trạng viêm do nhiễm khuẩn, ngoài việc dùng thuốc hạ sốt, bác sĩ hoàn toàn có thể chỉ định kháng sinh để điều trị tiêu diệt vi khuẩn. Chẳng hạn như viêm họng do vi khuẩn Streptococcus nếu không được điều trị bằng kháng sinh có thể dẫn đến biến chứng sốt thấp khớp và tổn thương ở tim với tỷ lệ tử vong khá cao.
3. Sốt xuất huyết
Ảnh minh hoạ
Sốt xuất huyết là một tình trạng sốt do nhiễm virus cấp tính lây lan từ người qua người do muỗi Aedes aegypti. Bệnh có thể trở nên nguy hiểm nếu xuất hiện biến chứng. Biểu hiện chính:
- Sốt cao đột ngột
- Đau khớp và cơ
- Đau bụng, buồn nôn và nôn
- Nhức đầu dữ dội
- Phát ban sau 2 – 5 ngày kể từ khi bắt đầu sốt
- Xuất huyết nhẹ như chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc bầm tím dưới da.
Đôi khi, các triệu chứng nhẹ của sốt xuất huyết đôi khi dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm hay sốt siêu vi. Tuy nhiên, sốt xuất huyết có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như tổn thương bạch huyết và mạch máu, chảy máu mũi và lợi, chảy máu gan, gây sốc và tử vong rất nhanh.
Không có phương pháp đặc hiệu nào điều trị sốt xuất huyết, vì phần lớn bệnh nhi sẽ tự hồi phục. Tuy nhiên, việc chăm sóc và hỗ trợ phục hổi là điều cần thiết. Nên:
- Cho trẻ uống nhiều nước và bổ sung chất điện để tránh mất nước và mất cân bằng điện giải do nôn và sốt cao
- Hạ sốt bằng paracetamol
Tuyệt đối không dùng các thuốc hạ sốt như aspirin và Nsaids (ibuprofen, naproxen) vì sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết.
Việt Nam là một trong những vùng dịch sốt xuất huyết và hiện tại, vẫn chưa có vaccine để phòng ngừa sốt xuất huyết. Do đó, cách phòng tránh tốt nhất là diệt trừ muỗi và tránh bị muỗi đốt.
4. Sốt sau khi tiêm vaccine
Ảnh minh hoạ
Tiêm vaccine được hiểu nôm na với việc đưa một lượng nhỏ virus/ vi khuẩn đã bị làm bất hoạt và giảm hoạt lực, vào trong cơ thể. Điều này sẽ kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể để chống lại virus/ vi khuẩn đó đó. Vì thế, một vài trẻ sau khi tiêm vaccine đã xảy ra tình trạng sốt nhẹ. Đó hoàn toàn là do đáp ứng của hệ thống miễn dịch.
Bạn có thể hạ sốt cho bé bằng cách:
- Cho bé uống nước thường xuyên hơn, lau mình bằng nước ấm và cho trẻ nghỉ ngơi
- Hạ sốt bằng paracetamol hoặc ibuprofen với liều chỉ định từ bác sĩ/ dược sĩ.
Tuy nhiên, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nếu:
- Đỏ và sưng ở vùng tiêm sau 48 giờ
- Trẻ < 3 tháng tuổi và sốt từ 38oC trở lên
- Sốt ké dài trên 48 giờ sau khi tiêm
- Xuất hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào khác
THAM KHẢO:
1. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/roseola/basics/symptoms/con-20023511
2. https://www.uptodate.com/contents/fever-in-children-beyond-the-basics
3. http://www.webmd.com/a-to-z-guides/dengue-fever-reference#1
4. http://www.webmd.com/children/vaccines/tc/immunizations-when-to-call-a-doctor
Ds. Nguyễn Hạ Quyên