Giỏ hàng của bạn
Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp là gì?

20/10/2017 bình luận

Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch thay vì bảo vệ cơ thể (bằng cách chống trả với nhiễm trùng như virus, vi khuẩn) lại tấn công vào các khớp. Dẫn đến phản ứng viêm các mô liên kết trong các khớp (màng hoạt dịch), gây đau và sưng xung quanh khớp bị viêm. Màng hoạt dịch cũng chính là nơi sản sinh dịch khớp – chất lỏng bôi trơn, giúp khớp hoạt động một cách trơn tru.

Nếu tình trạng viêm không được kiểm soát sẽ dẫn đên tổn thương sụn, mô đàn hồi, bao phủ ở đầu xương – điểm tiếp giáp tạo thành khớp. Theo thời gian, khoảng cách các đầu xương sẽ dần khít lại, các khớp nối lỏng lẻo, thiếu ổn định, gây đai và khó khăn trong di chuyển, thậm chí dẫn đến biến dạng khớp. Tuy nhiên, những tổn thương này sẽ không thể phục hồi được.

Viêm khớp dạng thấp có thể xuất hiện bất ngờ và xảy ra trên bất kỳ đối tượng nào. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo nên chẩn đoán sớm và điều trị tích cực để kiểm soát được RA.

1. Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp

Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây RA vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ, mặc dù các bác sĩ đã nắm được cơ chế gây bệnh là do ảnh hưởng không nhỏ từ phản ứng bất thường của hệ miễn dịch. Nhưng, không ai chắc chắn điều gì đã khiến hệ miễn dịch mắc sai lầm. Tuy nhiên, cũng có bằng chứng khoa học cho biết gen, hormon & các yếu tố môi trường có liên quan đến sự sai sót của hệ thống miễn dịch.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, những người mang allen (dấu chỉ trên gen) đặc biệt được gọi là “Shares epitope” HLA, có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao gấp 5 lần người không có allen này.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục rà soát các yếu tố khác cũng đóng vai trò nhất định đối với RA, bao gồm:

     - Vi khuẩn

     - Virus

     - Hormone nữ (70 % người bị RA là nữ giới)

     - Béo phì

     - Những người thường xuyên bị stress về thể chất hay tinh thần

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những yếu tố môi trường đóng vai trò rủi ro như phơi nhiễm khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, thuốc trừ sâu hay những công việc tiếp xúc với dầu khoáng & sillic.

2. Các biểu hiện của viêm khớp dạng thấp

Ảnh minh hoạ

Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân RA có thể không nhìn thấy biểu hiện ban đầu là đỏ & sưng ở khơp, nhưng lại có cảm giác tê & đau. Triệu chứng chung sau đây có thể là dấu hiệu của RA:

  •  Đau khớp, tê, dưng hoặc cứng khớp liên tục trong 6 tuần trở lên
  • Cứng khớp khoảng 30 phút hoặc hơn vào mỗi buổi sáng, sau khi vừa thức dậy
  • Biểu hiện xảy ra ở nhiều hơn một khớp
  •  Khớp nhỏ (cổ tay, ngón tay, ngón chân)
  • Có tính chất đối xứng (nghĩa là viêm đau sẽ xuất hiện ở cả hai bên trái – phải của cơ thể, chẳng hạn nếu đau do viêm khớp dạng thấp ở ngón trỏ bàn tay phải, thì đồng thời ngón trỏ của bàn tay trái cũng sẽ biểu hiện giống như vậy).

Bên cạnh đau, nhiều người còn trải qua cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng & sốt nhẹ.

Các triệu chứng và ảnh hưởng do RA có thể xuất hiện rồi lại biến mất. Đến giai đoạn bệnh bùng phát (tăng viêm & các triệu chứng khác) có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tháng. Mức độ viêm nặng gây ảnh hưởng trên toàn bộ cơ thể và dẫn đến những biểu hiện như:

  • Mắt: khô, đau, đỏ và nhạy cảm với ánh sáng
  • Miệng: khô, kích ứng hay nhiễm trùng nướu
  • Da: xuất hiện khối u thấp khớp (u nhỏ dưới da trên các vùng xương)
  • Phổi: viêm & sẹo ở phổi khiến cho hơi thở ngắn (hụt hơi)
  • Mạch máu: viêm, có thể dẫn đến tổn thương thần kinh, da và các cơ quan khác
  • Máu: thiếu máu, sso lượng hồng cầu thấp hơn bình thường

3. Cách chữa trị viêm khớp dạng thấp

Ảnh minh hoạ

Mục tiêu điều trị viêm khớp dạng thấp là:

  • Ngừng ngay các phản ứng viêm
  • Giảm triệu chứng
  • Ngăn ngừa tổn thương trên khớp và các cơ quan khác
  • Cải thiện chức năng và sức khoẻ tổng thể
  • Giảm thiểu các biến chứng lâu dài

Để đạt được những mục đích này, các bác sĩ sẽ thực hiện theo chiến lược điều trị RA cụ thể.

     3.1 Điều trị dùng thuốc

Một số có thể được bác sĩ kê đơn trong điều trị viêm khớp dạng thấp được tóm gọn như sau:

Điều trị

Thuốc

Lưu ý

Giảm triệu chứng đau

Nhóm Nsaids:

  • Ức chế COX 1 & COX 2: ibuprofen, naproxen, ketoprofen…
  • Ức chế chọn lọc COX – 2 (hạn chế tác dụng phụ trên dạ dày):  meloxicam, celecoxib…

Thận trọng đối với bệnh nhân có vấn đề tim mạch (tăng huyết áp, cục máu đông, đau tim, đột quỵ)

Chậm tiến triển viêm

Kháng viêm corticosteroid

Kháng viêm mạnh, có thể uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp.

Nhiều phản ứng không mong muốn.

Chống thấp khớp tác dụng chậm – DMARDs như:

  • Methotrexate
  • Sulfasalazine
  • Hydrochloroquine

DMARDs sinh học: Entanercept & Adalimumab

Làm chậm quá trình tiến triển của viêm khớp

      3.2 Phẫu thuật

Phẫu thuật thực sự không phải là biện pháp cần thiết để điều trị RA, nhưng đó lại là một lựa chọn quan trọng nếu người bệnh bị tổn thương vĩnh viễn & gây cản trở trong các sinh hoạt hàng ngày. Phẫu thuật thay khớp có thể làm giảm đau và phục hồi phần nào chức năng ở khớp bị tổn thương. Thường nhất là thay khớp hông & khớp gối, nhưng mắt cá chân, vai, cổ tay, khuỷu tay và các khớp khác cũng có thể được xem xét thay thế nếu thấy cần thiết.

 

THAM KHẢO:

  1. http://www.arthritis.org/about-arthritis/types/rheumatoid-arthritis/what-is-rheumatoid-arthritis.php
  2. http://www.arthritis.org/about-arthritis/types/rheumatoid-arthritis/
  3. http://www.nhs.uk/conditions/Rheumatoid-arthritis/Pages/Introduction.aspx
  4. https://www.medicinenet.com/rheumatoid_arthritis/article.htm


Ds. Nguyễn Hạ Quyên

Bình luận