Giỏ hàng của bạn
Tìm hiểu về bệnh viêm khớp gối

Tìm hiểu về bệnh viêm khớp gối

25/10/2017 bình luận

Viêm khớp là tình trạng viêm tại một hoặc nhiều khớp trong đó có khớp gối, gây nên những biểu hiện chính như sưng, nóng, đỏ, đau & cứng tại khớp bị viêm. Viêm khớp gối sẽ khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong di chuyển & sinh hoạt thường ngày, chẳng hạn như đi bộ hay leo cầu thang. Đó cũng chính nguyên nhân gây tàn tật nghiêm trọng đối với một số người.

1. Cấu tạo của khớp gối

Giải phẫu học cho thấy, khớp gối là khớp lớn nhất của bộ xương người, được cấu thành từ phần dưới của xương đùi, phần trên cùng xương chày và xương bánh chè. Tại điểm tiếp giáp của 3 xương này được bao bọc bởi sụn khớp, dịch khớp – chất bôi trơn giúp khớp vận động linh hoạt. Do đó, bạn có thể đứng thẳng, bước đi hay khuỵ gối một cách dễ dàng & nhịp nhàng. Hai miếng đệm dai & đàn hồi nằm ở hai bên hoạt động như “bộ giảm xóc” giữa xương đùi và xương chày.

Khối gối được phủ bằng một lớp lót mỏng, gọi là màng hoạt dịch. Đây là nơi giải phóng dịch bôi trơn sụn khớp để làm giảm ma sát.

2. Nguyên nhân & triệu chứng của viêm khớp gối

Ảnh minh hoạ

Viêm khớp nói chung & viêm tại khớp gối nói riêng, chủ yếu là do thoái hoá khớp, viêm khớp dạng thấp & viêm sau chấn thương.

 - Viêm khớp gối do thoái hoá khớp: đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến viêm khớp gối chính. Sự thoái hoá được hiểu nôm na như “hao mòn” từ từ các sụn tại khớp này và dần biến mất. Khi sụn bị mòn, chúng trở nên cứng và không còn khoảng trống bảo vệ giữa các xương, khiến xương cọ xát vào nhau tạo cảm giác đau và cứng khớp. Phần lớn liên quan đến tuổi tác, thường là nữa giới lớn hơn 50 tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người trẻ tuổi hơn. Thoái hoá diễn tiến chậm và cảm giác đau sẽ tăng dần theo thời gian.

 - Viêm khớp dạng thấp: là một dạng bệnh mạn tính, do hệ miễn dịch tấn công nhiều khớp trong cơ thể, bao gồm khớp gối, cụ thể là gây tổn thương tại sụng & dây chằng. Bệnh có tính chất đối xứng, nghĩa là gây ảnh hưởng cả hai bên trái & phải của cơ thể. Trong viêm khớp dạng thấp, màng hoạt dịch bắt đầu sưng lên, dẫn đến đau & cứng tại khớp gối.

 - Viêm khớp sau chấn thương: là dạng viêm khớp xuất hiện sau chấn thương đầu gối. Ví dụ như gãy xương làm ảnh hưởng đến bề mặt khớp và dẫn đến viêm khớp sau đó khoảng 1 năm.

Nếu thấy các biểu hiện sau đây, rất có thể bạn đang bị viêm khớp gối:

  • Cảm giác đau tăng dần tại vùng đầu gối lên khi vận động, nhưng giảm đau đôi chút khi vận động lâu hơn
  • Sưng quanh gối
  • Cứng tại khớp gối vào mỗi buổi sáng – khi vừa mới thức dậy
  • Đi lại, đứng lên, ngồi xuống khó khăn
  • Nghe tiếng khớp mỗi khi vận động

3. Hướng điều trị viêm khớp gối

Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trong viêm khớp nói chung, nhưng một số phương pháp có thể làm giảm đau & hạn chế tàn tật.

     3.1 Điều trị không phẫu thuật

Ảnh minh hoạ tiêm Corticosteroid trực tiếp vào khớp gối

Tương tự như các bệnh lý viêm khớp khác, điều trị ban đầu của viêm khớp gối cũng ưu tiên các  phương pháp không phẫu thuật. Bác sĩ có thể chỉ định một số hướng như:

Phương pháp

Diễn giải

Thay đổi lối sống

Giúp bảo vệ khớp gối & làm chậm sự tiến triển của viêm khớp. Bạn nên:

-        Giảm thiểu các hoạt động ảnh hưởng đến khớp này chẳng hạn như leo cầu thang, chạy bộ và chuyển sang các vận động nhẹ nhàng hơn như bơi lội, đạp xe đạp.

-       Giảm cân cũng là cách làm giảm áp lực lên khớp gối.

Vật lý trị liệu

Thực hiện các bài tập cụ thể giúp tăng sự linh hoạt ở khớp gối cũng như tăng cường cơ bắp ở đôi chân.

Sử dụng thiết bị hỗ trợ

Giày giảm sốc, nẹp đầu gối

Các liệu pháp khác

Bôi kem giảm đau, dùng liệu pháp nhiệt độ hoặc băng gạc hỗ trợ vùng đầu gối

Dùng thuốc

Thuốc giảm đau:

-       Paracetamol (không kê đơn): giảm đau nhẹ, an toàn, nhưng cần được bác sĩ/ dược sĩ tư vấn về những nguy cơ tiềm ẩn

-       Nhóm Nsaids (kê đơn): ibuprofen, naproxen… Ngoài ra, các thuốc ức chế chọn lọc COX – 2 (meloxicam, celecoxib…) sẽ giúp giảm đau viêm đồng thời hạn chế tác dụng phụ trên dạ dày. Nhóm thuốc này cần thận trọng đối với bệnh nhân có vấn đề tim mạch (tăng huyết áp, cục máu đông, đau tim, đột quỵ)

Thuốc kháng viêm corticosteroid (kê đơn): tác dụng kháng viêm mạnh, có thể uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp. Tuy nhiên, nhóm thuốc này mang rất nhiều phản ứng không mong muốn.

Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm – DMARDs (kê đơn): làm chậm quá trình tiến triển của viêm khớp, một số thuốc như:

-       Methotrexate

-       Sulfasalazine

-       Hydrochloroquine

Bên cạnh đó còn có các DMARDs sinh học, có thể làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể như Entanercept & Adalimumab.

Điều trị thay thế

Chưa được chứng minh về tính hiệu quả, nhưng có thể sẽ đem lại lợi ích nếu bạn kiên trì thực hiện:

-       Châm cứu

-       Điều trị bằng xung điện

Ngoài ra, bệnh nhân có thể bổ sung thêm Glucosamin & Chondroitin sulfate (các chất tự nhiên được tìm thấy trong sụn khớp) thông qua việc sử dụng thực phẩm chức năng. Mặc dù, các  báo cáo khoa học cho thấy việc dùng Glucosamin & Chondroitin sulfate có thể giúp giảm đau trong viêm khớp nói chung, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy sự phục hồi hay đảo ngược tiến trình của viêm khớp. Hơn nữa, những chất này cũng có thể gây nên một vài phản ứng không mong muốn. Do đó, để đảm bảo an toàn bạn nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ/ dược sĩ trước khi quyết định sử dụng.

     3.2 Điều trị phẫu thuật

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu thấy bệnh nhân có khả năng dẫn đến tài tật cao và không thuyên giảm khi điều trị theo hướng không phẫu thuật. Tất nhiên, bất kỳ cuộc giải phẫu nào cũng đều mang rủi ro & biến chứng tiềm ẩn. Các bác sĩ sẽ thảo luận & tư vấn cặn kẽ cho bạn về những biến chứng trước khi thực hiện thủ thuật này.

4. Hậu quả & cách phòng ngừa viêm khớp gối

Như đã nói, khớp gối là khớp lớn nhất & đóng vai trò rất lớn trong việc vận động. Viêm khớp gối chẳng những gây khó khăn, đau đớn trong quá trình di chuyển mà còn có thể dẫn đến biến dạng khớp & nặng hơn là tàn tật. Để phòng tránh viêm khớp gối, bạn có thể thực hiện những cách đơn giản như sau:

  • Thường xuyên đưa cá vào chế độ ăn của mình, đặc biệt là những loại cá giàu omega – 3
  • Kiểm soát cân nặng: đầu gối của bạn phải chịu đựng sức nặng dồn nén của cơ thể. Do đó, nếu thừa cân, béo phì sẽ làm tăng áp lực trên khớp gối
  • Tập thể dục điều độ
  • Tránh tổn thương ở khớp gối
  • Bảo vệ các khớp xương: chẳng hạn như việc đứng lên, ngồi xuống đúng tư thế
  • Uống rượu vang: dùng một lượng nhỏ rượu vang đỏ (1 ly/ ngày) có thể làm giảm nguy cơ viêm khớp dạng thấp
  • Kiểm tra sức khoẻ định kỳ

Mặc dù viêm khớp gối còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng tránh bạn đã thực sự giảm được nguy cơ mắc phải các bệnh lý về khớp nói chung & viêm khớp gối nói riêng.


THAM KHẢO:

  1. https://www.webmd.com/osteoarthritis/ostearthritis-of-the-knee-degenerative-arthritis-of-the-knee#1
  2. http://orthoinfo.aaos.org/topic.cfm?topic=a00212
  3. https://www.healthline.com/health-slideshow/arthritis-prevention#2


Ds. Nguyễn Hạ Quyên

Bình luận