Nguyên nhân - Triệu chứng và cách phòng ngừa viêm khớp mãn tính
Viêm khớp mãn tính hay còn gọi là thoái hoá khớp, là dạng bệnh lý phổ biến nhất xảy ra trên khớp. Thoái hoá có thể xuất hiện ở bất kỳ khớp nào từ khớp lớn như đầu gối, hông, lưng, cổ cho đến các khớp nhỏ ngón tay, ngón chân.
1. Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp mãn tính
Ảnh minh hoạ
Viêm khớp mãn tính được cho là sự “bào mòn” của sụn khớp theo thời gian, thường phổ biến ở người lớn tuổi vì lượng tế bào sụn sẽ sụt giảm từ từ. Tỷ lệ phụ nữ bị viêm khớp mãn cũng nhiều hơn so với nam giới, đặc biệt là khi trên 50 tuổi, một phần do nồng độ xuống estrogen thấp sau mãn kinh. Dưới đây là một vài nguyên nhân góp phần thúc đẩy tiến trình viêm khớp mãn tính:
- Gen: các đặc tính di truyền sẽ quyết định nguy cơ thoái hoá khớp của người này cao hơn so với người khác. Khiếm khuyết gen hiếm gặp có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất collagen và protein cấu tạo sụn khớp, sự bất thường đó dẫn đến thoái hoá khớp ở độ tuổi 20. Ngoài ra, một vài đặc điểm di truyền khác cũng có thể gây ảnh hưởng nhẹ trên xương khớp, khiến sụn bị bào mòn nhanh hơn. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện gen FAAH – liên quan đến việc tăng nhạy cảm với đau nhiều hơn ở những bệnh nhân thoái hoá khớp gối so với người không mắc bệnh
- Cân nặng: thừa cân, béo phì sẽ gây áp lực lên vùng hông & khớp gối. Thời gian càng kéo dài các sụn khớp sẽ thoái hoá nhanh hơn. Bên cạnh đó, một nghiên cứu cho thấy các mô mỡ dư thừa sản sinh cytokines (hoá chất gây viêm) và có thể gây ảnh hưởng lên khớp
- Chấn thương & làm việc nặng quá sức: những cử động nặng lặp đi lặp lại từ ngày này sang năm khác hoặc chấn thương trên khớp (nứt, phẫu thuật dây chằng) có thể dẫn đến viêm khớp mãn tính. Chẳng hạn như một số vận động viên liên tục gặp chấn thương khớp, dây chằng sẽ làm giảm khả năng phục hồi của sụn. Hay những công việc đòi hỏi phải đứng liên tục trong thời gian dài, mang vác nặng cũng khiến sụn bị “bào mòn” nhanh hơn.
Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều yếu tố khác dẫn đến viêm khớp mãn tính, cụ thể như:
- Tình trạng rối loạn xương
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh rối loạn chuyển hoá hemchromatosis khiến cơ thể hấp thu quá nhiều sắt
- Bệnh Acromegaly khiến cơ thể sản sinh quá nhiều hormon tăng trưởng
2. Triệu chứng của bệnh
Ảnh minh hoạ
Biểu hiện viêm khớp mãn tính ở mỗi người sẽ có phần khác nhau, tuỳ thuộc vào khớp và mức độ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, triệu chứng phổ biến nhất trong thoái hoá khớp đó là đau & cứng khớp, đặc biệt buổi sáng khi mới thức dậy. Các khớp bị viêm có thể sưng sau các hoạt động kéo dài. Biểu hiện sẽ ngày càng rõ và nặng dần theo thời gian. Một số triệu chứng thường gặp như:
- Đau & cứng khớp: thường là ở hông đầu gối và lưng dưới sau khi nghỉ ngơi (ngủ, không vận động) hoặc vận động quá mức
- Khó khăn khi di chuyển
- Nghe tiếng khớp mỗi khi chuyển động hay thay đổi tư thế
- Sưng nhẹ quanh khớp
- Đau nhiều vào cuối ngày
Với từng khớp khác nhau, biểu hiện viêm cũng khác nhau, chẳng hạn như:
Khớp | Biểu hiện |
Hông | Đau ở vùng háng hoặc mông, đôi khi đau đầu gối hoặc đùi. |
Đầu gối | Nghe tiếng răng rắc mỗi khi di chuyển |
Ngón tay | Sưng, mềm & đỏ xung quanh các khớp |
Chân | Đau & tê khớp ngón chân, mắc cá chân & ngón chân có thể bị sưng |
3. Cách phòng ngừa
Ảnh minh hoạ
Các nghiên cứu cho thấy viêm khớp mãn tính là một quá trình phức tạp với rất nhiều nguyên nhân. Bên cạnh điều khó tránh nhất chính là sự lão hoá, tuy vậy cũng còn nhiều yếu tố khác kết hợp chi phối. Trong đó, có những yếu tố có thể ngăn ngừa được. Dưới đây là một vài lời khuyên giúp phòng ngừa viêm khớp mãn tính:
- Duy trì cân nặng lý tưởng: thừa cân, béo phì là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm khớp mãn tính. Trọng lượng dư tạo thành áp lực lớn lên các khớp, chẳng hnaj như khớp háng & khớp gối. Thời gian càng dài, ảnh hưởng trên sụn khớp sẽ càng lớn.
- Kiểm soát đường huyết: một nghiên cứu mới đây cho thấy có mối liên hệ giữa đái tháo đường & tổn thương sụn khớp. Bởi nếu nồng độ đường huyết cao sẽ làm tăng tốc độ hình thành các phân tử nhất định làm sụn cứng & nhạy cảm hơn với các áp lực cơ học. Điều này giúp giải thích lý do tại sao hơn ½ người Mỹ được chẩn đoán đái tháo đường đều bị viêm khớp.
- Tập luyện thể chất điều độ: chỉ cần luyện tập 30 phút/ ngày với cường độ vừa phải trong 5 ngày/ tuần sẽ giúp làm giảm nguy cơ trật khớp & tăng cường độ dẻo dai cho cơ bắp hỗ trợ ổn định ở vùng hông & đầu gối.
- Tránh tổn thương & giữ an toàn cho sụn khớp: sụn tổn thương không phục hồi tốt, xương từng bị chấn thương sẽ tăng gấp 7 lần nguy cơ viêm khớp mãn tính so với người chưa từng gặp tổn thương nào.
Cuối cùng, thực hiện một lối sống lành mạnh cũng là điều không thể thiếu để phòng tránh viêm khớp, bao gồm việc ăn uống điều độ, tập thể dục, ngủ đủ giấc, kiểm soát được căn thẳng và giữ mối quan hệ tốt với những người xung quanh. Thêm nữa, nếu nghiện thuốc lá hay thường xuyên sử dụng bia rượu, chẳng những có ảnh hưởng lớn đối với sức khoẻ tổng thể mà còn tác động không nhỏ trên sụn khớp của bạn.
THAM KHẢO:
- http://www.arthritis.org/about-arthritis/types/osteoarthritis/
- https://www.webmd.com/osteoarthritis/default.htm
- http://www.arthritis.org/about-arthritis/types/osteoarthritis/articles/oa-prevention.php
Ds. Nguyễn Hạ Quyên